Ứng dụng của tóan học vào cuộc sống

Hôm qua có một ông tiến sỹ tóan lý phát biểu trên vnexpress là học toán xong chẳng biết học tóan để làm gì.  Để cho mọi người (ngoài ngành toán) hiểu thêm về các ứng dụng của toán trong cuộc sống, sau đây tôi sưu tầm các ứng dụng của toán học vào cuộc sống. Xin các bạn ở đây bổ sung thêm:

1)  Toán học ứng dụng vào quân sự:

Hàng năm, Hải quân và Không quân Mỹ tiêu tốn nhiều triệu USD cho các nghiên cứu toán học mà họ thấy có tiềm năng ứng dụng vào quân sự. Các ngành nghiên cứu này có thể bao gồm các ngành tối ưu, đại số tuyến tính, lý thuyết xấp xỉ, phương trình đạo hàm riêng, cơ chất lỏng, v.v Các ứng dụng có thể bao gồm xử lý tín hiệu radar, sonar, dò tìm mục tiêu đối phương, an toàn thông tin, mật mã, v.v.

2)  Toán học ứng dụng vào thị trường tài chính – kế toán:

Các ngân hàng lớn của thế giới đều có các phân tích viên sử dụng các mô hình toán dựa trên các phương trình vi phân ngẫu nhiên để dự đoán thị trường chứng khoán.

3) Toán học ứng dụng vào công nghiệp:

Lý thuyết tối ưu toàn cục và quy hoạch tuyến tính được sử dụng rộng rãi trong các phần mềm của các công ty khai khoáng, đại lý bán vé máy bay trực tuyến, các công ty vận chuyển hàng hải

4) Toán học ứng dụng vào công nghệ vũ trụ

Viết cho con trai vừa có bằng lái xe

Very touching!

You can also listen to “Ve Day Nghe Em” of Truong Quang Loc (presented by Tuan Ngoc) at the end of this letter. (Warning: I am not sure you’ll get what this song dreams for!)

Source: http://drnikonian.wordpress.com/2009/04/30/write-for-son-1/

Viết cho con trai vừa có bằng lái xe

Posted on by Dr. Nikonian

Vậy là chỉ sau một giấc ngủ dài trên máy bay, con đến Mỹ, đặt chân xuống sân bay Chicago tráng lệ. Chỉ sau một đêm, con giã từ bạn bè, góc phố thân quen, mái  trường cũ…, để làm quen với một thế giới khác.

Cái thế giới mới mẻ của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ, quả kỳ lạ phải không con? Nơi mà sự ân cần, thân thiện của chú hải quan nơi phi trường, chị da đen ở Sở An sinh xã hội, và mọi nhân viên công quyền khác làm cho cha con ta lạ lẫm. Nơi mà con vào công viên chơi bóng rổ, không phải trả tiền như trăm ngàn đứa trẻ Hoa kỳ khác. Đó là một ân sủng, khi thoát khỏi văn mẫu, đề thi sai, chạy trường chạy lớp, con bước vào một hệ thống giáo dục khác, nơi mà cơ hội đồng đều cho mọi người. Không có biệt lệ cho bất cứ con ông cháu cha nào cả.

Đó là lý do vì sao ta trào nước mắt, khi thấy các con trai ta, sung sướng, hồn nhiên chơi bóng rổ dưới bóng lá cờ sao vạch của một đất nước khác, không phải quê hương.

Giấc mơ Mỹ, quả là vĩ đại, không phải vì sự to lớn của nó, mà vì nó là của riêng con, riêng cho từng người. Và nó sẽ là sự thực, nếu con muốn, không phải là những lời phét lác huênh hoang của một thiên đường dối trá.

Chúc mừng con, con trai ta ạ!

Chỉ sáu tháng sau, ta thầm cám ơn trời đất, ông bà khi gặp lại con. Con chững chạc, cao lớn, tự tin như bao thanh niên khác trên đất Mỹ. Con không còn từ chỗ mỗi ngày trở về nhà nhớp nhúa, hôi hám, kiệt sức với khói xe, bụi đường, nước cống ngập đen xì. Con đậu bằng lái xe hơi ở Mỹ, kết quả của một cuộc thi cử công bằng và nghiêm túc. Con có quyền tự hào khi được ngồi sau tay lái, ung dung chen vào đoàn xe xuôi ngược ngày đêm trên hệ thống xa lộ vĩ đại nơi đây. Con đã được một quyền cơ bản, quyền lái xe, một cách danh chính ngôn thuận, mà không phải chạy chọt, dấm dúi như bao người khác ở quê nhà. Ở Mỹ, có bằng lái xe là một sự kiện lớn trong đời đó con!

Chúc mừng con, con trai ta ạ!

Các con ta, mỗi ngày cắp sách đến trường, về nhà không kiệt sức, không cùn mằn trong sự học nơi đây. Quyền đi học trong phẩm giá và niềm vui, quyền được hưởng thụ một nền giáo dục chính trực, công bằng, các con đã có! Đó là điều duy nhất, mà ta châm chước cho cái xã hội vừa kỳ quái nhất, vừa tốt đẹp nhất theo kiểu Hoa kỳ.

Chúc mừng con, con trai ta ạ!

Ta biết là ta may mắn khi có những đứa con trai như vậy!

Chỉ có một điều: con không muốn về Việt nam nữa!

Ta hơi chựng lại, nhưng ngẫm nghĩ một hồi, ta chẳng  ngạc nhiên. Chỉ mới 6 tháng, ký ức đen của con về trường lớp, kẹt xe, khói bụi, tai nạn…vẫn chưa kịp phai nhạt. Con ghê sợ những điều ấy, cũng như ta, như triệu người Sài gòn khốn khổ khác. Con vẫn chưa quên sự phẫn nộ về một hệ thống giáo dục đầy bất công và tiêu cực. Con vẫn chưa quên những phi vụ tham nhũng bẩn thỉu đầy trên các báo ở nhà. Và bao nhiêu điều tội nghiệp đáng buồn khác, ai mà quên được?

Nhưng mà con ơi, dù nhếch nhác thảm hại đến vậy, đó vẫn là quê hương con. Nơi đó, có một Sài gòn, mà cha con ta đã từng rong ruổi. Nơi con cất tiếng chào đời, nơi con lẫm chẩm những bước đầu tiên. Nơi con nói những tiếng Việt đầu tiên “từ thuở nằm nôi”. Kể cả những điều nhỏ nhặt nhất, từ quán phở ám khói cha con ta hay ngồi, từ hiệu video con ghé, từ quán café nhìn ra sông lộng gió cha con ta ngồi tán gẫu.  Tất cả những điều tưởng như vô nghĩa với cuộc sống hào nhoáng nơi đây, nhưng là ký ức, đó là quê hương máu thịt con ạ!

Con đã bị nhồi vào đầu những kiến thức sử học nhàm chám, khô khan, đầy máu và căm thù. Con đã  học niềm vinh quang dối trá từ nồi da xáo thịt, từ huynh đệ tương tàn. Con đã đọc sách thấy vì nhân danh lý tưởng, niềm tin, người ta đấu tố cha mẹ anh em. Sự hung bạo, được ngụy tín dưới vỏ niềm tin. Sự mù quáng, được đậy điệm bằng lòng kiên định trung thành…

Con không thể yêu quê cha đất tổ từ những điều giả trá ấy.

Hãy về đây! Ta sẽ đem con đến Yên Tử, kể cho con nghe chuyện đánh Nguyên Mông, dưới bóng tùng già 700 năm tuổi, phủ bóng lên mộ Trúc Lâm tam tổ. Ta sẽ chỉ cho con bãi cọc của Hưng Đạo Đại vương nơi bến Bạch Đằng, nơi  gã lính viễn chinh xâm lược khi nhớ đến phải run sợ đến bạc đầu. Ta sẽ dẫn con đến ngôi từ đường đơn sơ mộc mạc của bà Bùi Thị Xuân, cùng cúi lạy anh linh nữ tướng. Ta sẽ dẫn con đến đèo Ngang lúc “bóng xế tà”, cho con hiểu sự thanh cao của một tâm hồn Việt. Bên ngọn sóng bạc đầu Chương Dương, ta sẽ chỉ cho con những dấu chân xưa của Yết Kiêu, Dã Tượng, và của muôn vạn dân binh áo vải khác đã ngã xuống cho “đất nước vững thiên thu”.

Nhớ lại đi con, con trai nhỏ của ta! Con đã đặt chân đến Vạn lý Trường thành, ghê sợ cái nghĩa trang ngập xương máu lớn nhất hành tinh. Con đã thấy một Bắc kinh hào nhoáng nhưng xấu xí với khói, bụi, ô nhiễm, khạc nhổ, oang oang nơi công cộng. Con đã thấy cảnh bắt người bán hàng rong như súc vật ngay chân Tử Cấm Thành. Con cũng đã thương hại gã Trung hoa khốn khổ, lắp bắp một thứ tiếng  Anh giả cầy khi bị quát tháo nơi sân bay quôc tế. Đất nước chúng ta, vẫn trường tồn dưới ách một gã khổng lồ, nhơ bẩn và man rợ như vậy đó con. Vì sao hôm nay ta không để tóc đuôi sam, con không ê a Hán tự, chúng ta không nhồm nhoàm những món ăn man rợ như óc khỉ, chân gà sống nướng? Vì sao chúng ta không bị đồng hóa theo lũ Thái thú ô hợp kia, nếu không phải vì khí thiêng sông núi, anh linh tiên tổ đang chảy trong con?

Quê hương con đó!

Nhiều lắm con, nhiều chỗ để chỉ cho con thấy, dân tộc mình đã oai hùng, kiêu dũng, thanh sạch và khổ đau đến mức nào để có con sinh thành hôm nay.

Hoặc nếu thì giờ eo hẹp, con hãy về một miền quê cát trắng, nơi ông bà, tổ tiên con yên nghỉ dưới bóng phi lao vi vút. Họ đã sống, đổ mồ hôi trên mảnh đất này, như một người nông dân lành và lương thiện như đất. Họ về với đất, trong vinh dự âm thầm, không như những ngụy-danh-nhân với lăng tẩm đền đài đồ sộ.

Quê hương con đó!

Sài gòn mà con ca thán, đâu phải thế! Sài gòn ngày xưa đẹp, thanh bình với “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, với “Trưng Vương khung cửa mùa thu”. Sài gòn mà con ngưỡng mộ qua những ca khúc vượt thời gian, qua những người Sài gòn xưa mà con hết lòng khâm phục. Sài gòn nay, như một cô gái đẹp bị lũ du côn rạch mặt, nham nhở đến tội nghiệp. Hỗn độn, xấu xí, bẩn thỉu, và hỗn hào biết mấy so với Hòn ngọc Viễn đông nền nã năm xưa.

Quê hương con đó!

Một ngày kia, con sẽ hiểu: đó là một phần máu thịt trong con. Con sẽ quay về với nó, như con cáo nhớ hang, con chim nhớ tổ. Con sẽ có cảm giác về nhà – coming home- như ta mỗi lần quay lại từ một thế giới đầy ánh sáng, đặt chân xuống Tân Sơn Nhất. Cái cảm giác tìm về tổ đó, nó là bản năng, nó dẫn dắt người Do thái quay về với mảnh đất Sion cằn cỗi, nó là niềm đau đáu của 2 triệu đồng bào con nơi đất khách. Không giải thích được bản năng tìm về cội nguồn đâu, con ạ! Mà cội nguồn con, đâu chỉ là Sài gòn hỗn độn hôm nay. Cội nguồn con đã bắt đầu, khi Lang Liêu mở tấm bánh chưng xanh mộc mạc tạ ơn trời đất. Gốc rễ con, đã phôi thai với mẹ Âu Cơ khi đem con lên rừng xuống biển.

Về đây con! Về “mặc áo the, đi guốc mộc”, về mà “nghe chuyện tình bằng lời ca dao” , về để nhìn “bóng tre êm ru” lẫn “con diều vật vờ”, để thấy “trong đêm sao mờ lòng ta bâng khuâng theo gió vi vu”…Con đã lớn lên cùng ta, với những ca khúc này mà!

Ngày con về, chắc tóc ta đã  trắng như bạt ngàn lau lách. Nhưng có hề chi, nếu máu ta vẫn chảy trong con lòng thương nhớ cội nguồn không bao giờ có tuổi.

Nhớ về, nghe con!

30.4.2009

“Ve Day Nghe Em” (I am not sure you’ll get what this song dreams for!)

Chuyện học hành trước 75

Dr. PVT hỏi tui kể chuyện học hành trước 75!

Mấy hôm rày lo chuyện “chuyên môn” dzớ dzẩn (dzui) bây giờ rảnh ra thì viết vài câu bậy bạ (chơi). Nói vậy thôi, chưa đến tuổi viết “hồi ký” nên cũng chẳng dzông dzài đâu! 🙂

Trước 75, tui học trường tiểu học của các bà soeur gần ngã tư bảy hiền trên đường Lê văn Duyệt (nay là Trường Chinh). Đây là một trường tư nhưng không phải dành cho dân nhà giàu (cha tui chỉ là một sĩ quan xoàng, lương đủ ăn). Đi học trường công trước 75 thì không tốn xu teng nào hết nhưng me tui chắc muốn tui thành tu sĩ nên cho tui vào trường này! (Xin lỗi me, tử vi của con không có sao cư trong cung thân! 😦 ) Học phí thì chẳng bao nhiêu nên không thành vấn đề. Chỉ vì nghe nói trường công tụi nó hút thuốc lá nên me tui sợ tui lây tật xấu (rốt cuộc thì sau này vẫn hút!) nên muốn cho tui đi học trường tư cho đàng hoàng chút, chẳng phải do chảnh chọe gì hết. Con nít học trường công không phải đóng tiền mà còn được cho sách vở và uống sữa (của Mỹ viện trợ).

Ngày tui đi học không được thơ mộng như “Tôi đi học” của Thanh Tịnh nhưng vui lắm (so với bọn con nít bây giờ, thấy (và đọc) mà thương!). Buổi sáng đi học, vào lớp lúc 7h, học đến 11h trưa thì nghỉ. Đứa nào không có đạo thì được về nhà, đứa có đạo như tui thì phải ở lại học giáo lý (nhưng được ăn trưa!). Cứ tưởng tượng ta được học CNCS mà được bao cơm trưa và đứa nào không tin CNCS thì được miễn triết học Mác Lênin! 🙂

Lớp một thì học với soeur. Sang lớp hai thì học với các cô (không học giáo lý nữa). Về nhà làm bài tập hết khoảng ½ tiếng. Sau đó ra bắn bi, đánh khăng hay đá banh với lũ bạn trong xóm. Tối đến thì 9h là lên chuồng! Ngoại lệ là bố tui hay lang thang với đám văn nghệ văn gừng nên vừa ăn tối xong thì tui được chỉnh tề tháp tùng ổng ra Đêm Mầu Hồng! Bố tui thì lai rai với bạn văn, tui thì cứ cocacola tha hồi mà nốc. Thái Thanh, Lệ Thu và ban Thăng Long hát ở đó. Có lẽ do vậy mà sau này tui khoái mấy cái nhạc xưa, xa lắc xa lơ. Nhạc mới bây chừ nghe lỗ tai trái nó chui qua lỗ tai phải! Công nhận là tui bị “tẩy não” hay “ngoáy lỗ tai” từ nhỏ! 🙂

Hồi nhỏ tôi khoái môn lịch sử và công dân giáo dục. Lịch sử thì chắc cũng hơi xạo nên con nít ai mà chẳng thích. Môn công dân giáo dục dạy cách đối xử với thày cô, cha mẹ, bạn bè và cả người dưng! Tụi tui được đọc “Les Grande Coeurs” của Amicis hay “Những tâm hồn cao thượng” do Hà Mai Anh dịch (nếu bây giờ dịch ra chắc là “Những trái tim vĩ đại” cho nó có mùi lý tưởng CSCN) rồi đóng kịch theo đó nữa. Chuyện đơn giản mà sao bây giờ tui vẫn nhớ và muốn đọc lại (tìm hoài mà không có bản tiếng Anh!). Còn chuyện về bác Hồ, tui quên ráo! Cái gì đơn giản, thật sẽ sống trong long trẻ. Chuyện bịa đặt sẽ chết theo thời gian!

Tui bị bắt đi học thêm tiếng Pháp vì tiểu học hồi đó không có môn ngoại ngữ. Tinh thần “ta về tắm ao ta” hay “người Việt xài hàng Việt” rất mạnh. Bố tôi khoái Tây hơn Mỹ nên bắt tôi học tiếng Pháp. Dẫu sao, những bài học trong “Civilisation en Francais” về cuộc sống, văn hóa và con người Pháp từ đồng quê đến thị thành làm tôi rất thích và cũng góp phần nào đó trong việc hình thành nhân cách của lũ trẻ tụi tôi. Sau 75, tôi vẫn học tiếng Pháp nhưng đã bắt đầu chán khi những bài văn thường dùng những từ đao to búa lớn khi nói về HCM, CNCS, chiến thắng Pháp Mỹ v.v… Học lấy lệ cho xong! Môn lịch sử thì khỏi bàn. Trước 75, tôi chẳng cần biết hay “bị nhồi sọ” Ngô Đình Diệm, Nguyễn văn Thiệu là ai, sinh ở đâu, ăn ở ra sao … Tôi chỉ được biết ta đánh Tàu Tây ra sao cho đến khi 1954. Có lẽ thày cô thấy rằng lịch sử sau 54 có nhiều tranh cãi nên tha cho lũ đầu xanh thơ dại chúng tôi. Các anh lớn cỡ lớp 10 trở lên thì chắc phải học mấy cái sau 54. Tôi tin rằng họ phải học sách sử do nha GD viết và chắc chắn trong đó cũng có những điều không chính xác. Dầu sao, ít nhất là con nít như tụi tôi được tha những điều dối trá (Bạn thử hỏi mấy nhi đồng ta bây giờ về anh Lê văn Tám hay Trần Dân Tiên để so sánh).

Hồi nhỏ, tôi háo hức chờ đến chủ nhật để đi lễ với bố tôi tại nhà thờ Đắc Lộ (tên Việt của cha cố Tây Alexander de Rhodes, được nhà Nguyễn và sử CS cho cái danh là gián điệp, người mang cái chữ Việt hay Quốc Ngữ mà ta đang xài đây để vĩnh viễn thoát khỏi cái ảnh hưởng của chữ Hán). Chẳng phải tôi ngoan đạo đâu mà vì sau lễ là bố tôi cho vào một nhà sách của các cha để mua sách. Tôi mê mải vớ các tuần báo của tuổi thơ như Tuổi Hoa, Thiếu Nhi và các sách phiêu lưu của nhà văn Hoàng Đăng Cấp (là thày dạy toán tôi lớp 12!). Tôi mê tuần báo Thiếu Nhi của chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương và chủ bút Nhật Tiến. Chú Nhật Tiến là một cây bút chống cộng kịch liệt nhưng những bài viết của ông trong Thiếu Nhi thì chẳng có chút quốc gia công sản gì hết. Các bài vở chia đều cho danh nhân lịch sử và khoa học, gương sáng làm người, truyện phiêu lưu mạo hiểm … Bác chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương, còn gọi là ông Khai Trí vì ổng là chủ của nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi, có mục thư chủ nhiệm rất hay vì mỗi bài là có những lời khuyên hay một câu chuyện luân lý đông tây kim cổ được giảng giải một cách dễ hiểu cho lũ con nít. Ông Khai Trí là “một con người đàng hoàng” và có công rất lớn trong văn hóa. Mỗi lần tôi được bố tôi cho vào nhà sách của ông thì tôi tưởng như mình vào công viên vậy. Hầu như là chuyện tất nhiên, cuộc đời ông sau 75 thật tội nghiệp khi được đi cải tạo vì đã góp phần vào việc tuyên truyền văn hóa tư bản đồi trụy. Tôi cho rằng đây là “một trong nhũng” sự ngu xuẩn #1 của chế độ. Bạn có thể xem thêm về ông Khai Trí tại http://www.lenduong.net/spip.php?article13553

Vừa sau 75, các bộ sách của bố tôi thu góp qua bao nhiêu năm đều bị phường tịch thu để tiêu hủy. Thôi thì bỏ qua những Đông Chu liệt quốc, Tam Quốc Chí, hay Dostoievsky v.v., nhưng còn sách của Nguyễn Hiến Lê hay Thiếu Nhi, Tuổi Hoa của tôi? Đốt sách chôn học trò như Tần Thủy thì chưa hẳn nhưng ngu xuẩn, ấu trĩ và bạo cường thì cũng xấp xỉ! 😦

Nói chung, trước 75 tôi được học làm người, được vui chơi với tuổi thơ “khá” trong sáng. Sau 75, thì là một cú shock nặng! Tôi vẫn còn nhớ hồi lớp 7 khi một thằng “bạn học” đang làm chức “anh phụ trách đội” khiển trách tôi vì huýt gió bài Lòng Mẹ của Y Vân và bảo rằng bài này ủy mỵ và phản động. Năm 98, tôi về VN, gặp lại nó đang làm một thư ký của phường. Nó than khổ, tôi dằn lòng không muốn nói “Mày là một thằng ngu và khốn nạn, mong gì hơn ?”.

Tôi nghiệm ra cái khác nhau giữa người và chó. Con người, theo đúng nghĩa, cần nhiều hơn cơm áo. Người đi ở đợ hay làm nô lệ vẫn mong một tương lai sáng hơn và cố gắng để thoát cái xiềng xích mình đang mang. Con chó thì có thể vui và sủa theo chủ vì được chủ thả vòng xích một chút và thẩy cho một miếng xương. Người làm văn hóa cũng vậy!

Khi nào xung thì tôi sẽ bàn về “NGƯỜI TRÍ THỨC” Nguyễn Hiến Lê, một người đã dạy tôi nhiều qua sách của ông. Có lẽ, vui và có ích hơn là viết về HCM như tui đã hứa! 🙂

Xem PBS (phần 1)

Xem được hai episodes rất hay trên PBS “Intelligent Design on Trial” (http://www.pbs.org/wgbh/nova/id/) và “Looking for Lincoln” (http://www.pbs.org/wnet/lookingforlincoln/).

Lại ngẫm nghĩ về cái khác nhau trong giáo dục và tự do trong trường học của Mỹ và VN.

Trong phần này, tôi sẽ bàn trước về “Intelligent Design on Trial”. Sau này, khi có hứng, tôi sẽ bàn về nhân vật Hồ Chí Minh và Abraham Lincoln trong con mắt của người Việt và Mỹ.

Ai cũng phải nhận ra là dân Mỹ rất tín ngưỡng và khá bảo thủ trong niềm tin. Đừng đánh giá Mỹ qua phim ảnh bởi Hollywood của đám liberals. Dân châu Âu thực ra thoải mái hơn dân Mỹ nhiều! Bạn nhìn đồng dollar Mỹ sẽ thấy câu “In God we trust”. Nghe tổng thống Mỹ luôn kết thúc bài nói mình bằng “God bless America”. Dân Mỹ ai cũng tin rằng nước Mỹ là “One country under God”. Và còn nhiều nữa!

Nhà nước Mỹ nói đến God luôn mồm (nhất là đảng Cộng Hòa bảo thủ). God ở đây là một chủ thể có sự thông minh, điều hòa vũ trụ và vạn vật (không nhất thiết là God nào).

Thế nhưng hiến pháp Mỹ khẳng định là nhà thờ phải được tách biệt khỏi chính quyền (principle of the separation of church and state in the Establishment clause of the U.S. Constitution). Dạy đạo (đạo nào thì cũng được) thì nhà thờ lo nhưng không được léng phéng nói đến đạo giáo trong trường công (do dân đóng thuế nuôi trường). Tại sao vậy ?

Quyền tự do. Vậy thôi! Obama có nói: “”We worship an awesome God in the blue states, and we don’t like federal agents poking around our libraries in the red states.”

Trường học là nơi đào tạo những con người tiên phong cho XH tương lai, muốn được như vậy trường học phải được tự do và phải đạo tạo những con người có tư tưởng phóng khoáng, biết độc lập suy nghĩ … Và suy nghĩ có khoa học!

Vì vậy cái Intelligent Design khi mang ra tòa đã được phán quyết rằng có chút hơi hướng của God và chuyện đó đi ngược lại hiến pháp. Dẹp ngay! Cái hay là ông chánh án lại là dân bảo thủ (do chính Bush bổ nhiệm). Ổng này thích God là cái chắc, nhưng hiến pháp là hiến pháp!

Hãy để trẻ (hay già) trong trường học tiếp xúc với tất cả những gì nhân loại đã nghĩ ra. Hãy để chúng tự do (đúng nghĩa) tranh luận để thấy cái nào hay, cái nào dở … Trường học không là nhà tù của tư tưởng hay một cơ quan tuyên truyền cho một đảng phái hay tổ chức nào đó. Con tôi muốn biết rõ, nếu chúng thích, về đảng CH hay DC thì cứ vào thư viện hay website của các đảng đó mà đọc. Trong trường chúng được giới thiệu rằng nước Mỹ có hai đảng lớn (có nhiều người theo) và có những đảng khác nữa… Vậy thôi! Nhà trường không được quảng cáo cho các đảng đó! Thằng nhóc tui bảo nó sẽ bầu cho Obama, ông thày nó nói ổng bầu cho McCain. Sau ngày bầu cử, nó vô lớp nói ông thày nó là “I win and you lose”. Ông thày nó cười và nói “Congrats”. Ổng mà đì nó, tui đi kiện thì ổng mất job!

Tại sao con nít, sinh viên ta ở VN chỉ tối ngày tụng CNCS. Các chủ nghĩa hay lý thuyết khác chỉ được nói qua loa và “xổ toẹt”. Hồi đi học, tôi không đủ dũng khí (hay ngu xuẩn) để nói thẳng rằng tôi không tin vào CNCS là hiện thực, là cái CNCS làm được là làm cho CNTB tốt hơn thôi… Tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra và tôi nhũn như con chi chi! Những năm tháng dưới mái trường XHCN, tôi đã bị nhồi nắn thành một con tò he trong triết học và nhân sinh quan. May mắn là trong chuyên môn thì tôi không bị như vậy. Tôi vẫn thấy tiếc!

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước gần đây nói với sv ta “Là sinh viên, đã qua tuổi 18, các anh có quyền nói “không” với bất cứ ai đối xử với anh như trẻ con.”. Tôi không tin lắm chuyện đó. Các anh nhà báo VN cũng chỉ là những con tò he!

Tôi thấy rất hiếm những trí thức “lớn” của VN (trong và ngoài nước) đã dám nêu lên cái vô lý này khi đóng góp ý kiến cho bộ GD. Ta giả bộ mơ ngủ? Hay là họ biết rõ rằng: khi nói chuyện với những kẻ mơ ngủ hay mộng du của bộ GD thì ta cũng phải cùng dùng một thứ ngôn ngữ? Họ không phải là con tò he, nhưng hành động giống như vậy!

Khi muốn làm quan hay hưởng lộc trong một triều đình của những những người “ở truồng” thì có lẽ ta không nên nói rằng “vua đang ở truồng”. Cái này thì tôi tạm hiểu được!

Phần sau thì tôi sẽ nói về cái “sùng bái” HCM và Lincoln.

Dạy và học ở Mỹ: Đôi điều tản mạn.

Dạy:
Việc dạy và học ở bên này mà so với Việt Nam thì có khá nhiều khác biệt. Trước hết nói về cách ăn mặc. Sinh viên thì không nói rồi, đủ các dạng các kiểu, cũng chẳng khác gì sinh viên bên mình lắm, nhưng mấy ông giáo sư, cũng như thành phần trợ giảng thì thoải mái hơn nhiều. Ở mình, người đứng trên bục giảng thường phải mặc quần tây, áo sơ-mi, bỏ áo vào quần, mang giày có quai hậu, không được mang giày thể thao (dĩ nhiên là trừ thầy cô dạy Thể Dục). Còn ở Mỹ thì miễn sao đừng quá lố thôi, chứ muốn mặc gì thì mặc. Chuyện ông giáo sư mang giày thể thao, mặc quần jean với áo thun vào lớp là chuyện bình thuờng. Những hôm mùa hè trời nóng, có không ít giáo sư mặc quần dài lưng lửng tới đầu gối để lên lớp giảng bài. Dĩ nhiên là lực lượng trợ giảng cũng chẳng khác gì. Có người chỉ toàn mang “giày không có quai hậu” để đến lớp, bất kể thời tiết; sinh viên cũng như bạn bè thấy vậy cũng chẳng có ý kiến gì, chỉ vào mùa Đông thì thỉnh thoảng lại hỏi :”Mày không lạnh sao?”
Khác biệt lớn nhất là mối quan hệ giữa người đứng lớp và sinh viên. Ở mình, cái khoảng cách giữa các thầy cô đứng lớp và sinh viên là khá lớn, nhiều khi thầy trò làm việc với nhau trong cả thời gian dài mà quan hệ vẫn rất xã giao. Còn ở bên này thì cảnh một sinh viên ngồi tán phét với một ông giáo sư là chuyện rất bình thường. Sinh viên mình thường rất ngại khi tiếp xúc với các thầy cô, chứ sinh viên bên Mỹ cảm thấy rất thoải mái khi nói chuyện với những người đứng lớp. Với trợ giảng thì cũng không nói làm gì, vì lực lượng trợ giảng thường là trẻ, dễ gần. Sinh viên Việt Nam mình cũng chẳng ngán gì trợ giảng, có khi lại còn trêu chọc. Nhưng sinh viên bên Mỹ cũng không ngại nói chuyện với các giáo sư. Thành phần không cảm thấy thoải mái khi trao đổi với các ông giáo sư thường là dân châu Á, có lẽ vì đã quen với nếp cư xử theo truyền thống phương Đông. Sinh viên có thể hỏi bài các giáo sư mà mình chưa học bao giờ, thậm chí chưa từng nói chuyện trước đó. Có một điều hay là tuy khá dễ dàng thân thiện với các giáo sư như vậy, nhưng sinh viên vẫn giữ sự tôn trọng các giáo sư rất đúng mực, chứ không như ở VN, thường thì hễ thân thân một chút là rất hay “dễ ngươi”.

Học:
Trong lớp học thì sinh viên Mỹ cũng như sinh viên Việt Nam thôi, nghĩa là cũng ngồi nói chuyện riêng, tụm năm tụm ba xì xào to nhỏ. Nói chung, làm trợ giảng ở đây so sánh với làm trợ giảng ở Việt Nam thì cũng không nhiều khác biệt lắm. Cũng đến giờ thì bước vào lớp, mở quyển sách ra và hỏi bọn sinh viên muốn mình hướng dẫn bài nào. Nếu sinh viên có thắc mắc thì sẽ hỏi, còn không thì mình chọn bài nào quan trọng và cơ bản thì ghi lên bảng rồi hướng dẫn. Nếu làm trợ giảng cho ông giáo sư nào có khả năng sư phạm cao, giảng lý thuyết tốt thì mình hướng dẫn được nhiều bài tập hơn vì có thể đi lướt qua mà không cần phải nhắc lại lý thuyết. Còn không thì phải dùng giờ bài tập để giảng lại những gì ông ấy nói trên lớp. Dĩ nhiên làm như vậy thì cũng không thể nói được hết tất cả những gì ông giáo sư đã giảng, vì mỗi tuần, trợ giảng chỉ có 50 phút cho mỗi lớp, còn ông giáo sư có đến 150 phút để giảng bài.
Khi mình hướng dẫn, nói một hồi, quay xuống mà thấy bọn sinh viên gật gù là biết “chúng nó” hiểu, còn nếu chỉ thấy toàn là những cặp mắt nai vàng ngơ ngác thì phải tự biết là mình sẽ phải nói lại một lần nữa cho dễ hiểu hơn, cái này thì giống hệt như bên Việt Nam. Có hơi chút xíu khác biệt thôi, là khi mình hỏi: “Có hiểu bài không?” thì sinh viên bên này thể hiện thái độ rõ hơn, với tỉ lệ cao hơn. Chẳng hạn nếu không hiểu thì mấy đứa ngồi trong lớp sẽ lắc đầu nhè nhẹ, hoặc nói “No!” nho nhỏ trong họng (khó mà nghe được nhưng nhìn cái miệng thì biết ), còn không thì cũng nhăn mặt nhíu mày ra vẻ đang suy nghĩ dữ dội lắm nhưng vẫn chưa thấy được chân lý. Còn sinh viên Việt Nam thì đa số là trưng ra một khuôn mặt bất động dù hiểu hay là không, hoặc ngó lơ chỗ khác. Nói chung là làm trợ giảng bên này thì mức độ trao đổi thông tin với sinh viên có vẻ là cao hơn so với làm trợ giảng ở Việt Nam.

Thi:
Chuyện học trong lớp thì có nhiều điểm tương đồng chứ chuyện thi cử thì nhiều khác biệt lắm. Một trong những điểm khác biệt lớn là việc thi một lần duy nhất trong học kỳ ở Việt Nam so với việc thi nhiều kỳ nhỏ (Mid-term) trong một học kỳ ở Mỹ. Bên Mỹ hiếm khi thấy môn học nào chỉ có một kỳ thi cuối học kỳ duy nhất. Tệ lắm thì cũng phải có một kỳ thi giữa học kỳ. Ngoài ra còn có quiz, là bài kiểm làm trong thời gian ngắn, từ 10 đến 30 phút. Tất cả đều được tính vào điểm tổng kết của môn học. Điều này làm giảm mức độ may rủi trong việc tính điểm, vì ai lỡ xui xẻo làm không tốt một bài thi thì vẫn còn cơ hội để gỡ lại, cũng như người nào hên mà “rùa” được một bài thì những bài sau cũng sẽ thể hiện ra sức học thật. Điều này cũng làm giảm việc học tủ, làm giảm việc cả học kỳ không ngó ngàng gì đến môn học, chỉ è đầu è cổ ra học lấy học để trong vài ngày trước khi thi. Dĩ nhiên, nhờ như vậy mà giảm cả việc quay cóp, vì nếu chỉ học vài ngày trước khi thi thì làm sao mà thấm cho được, chỉ có quay cóp là chắc ăn.
Chuyện quay cóp cũng là một điểm khác biệt lớn giữa sinh viên bên này với ở Việt Nam. Sinh viên bên này ý thức tốt hơn nhiều. Dĩ nhiên cũng có trường hợp xem bài nhau, nhưng quay cóp theo kiểu đem cả quyển sách vào phòng thi rồi ngồi lên, hoặc theo cách làm giàu cho mấy cửa hàng photocopy thì không có. Nguyên nhân quan trọng nhất là việc xử phạt rất nghiêm túc. Nếu bị phát hiện gian lận (kể cả quay cóp lẫn đạo văn, trích dẫn không ghi nguồn gốc …) thì chỉ có nước xách cặp rời khỏi trường với một vết nhơ trong hồ sơ học bạ. Còn ở Việt Nam, nhỡ giám thị có bắt được quả tang thì cũng chỉ tịch thu tài liệu, hoặc “hình phạt” nặng hơn thì tịch thu bài làm rồi phát cho tờ giấy thi mới để làm lại, vì: “Thôi cũng tội nghiệp, mình không nên ác thế…” Rồi sinh viên bên này nếu không biết làm bài là nộp bài đi ra, chứ không ở lì trong phòng thi để xem có “viện binh” hay không. Sinh viên mình thường hay tranh thủ khều bên này, móc bên kia để chép được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu, có khi người chẳng quen biết gì mà cũng níu hỏi cho bằng được.

Đánh giá:
Đến cuối học kỳ thì sinh viên ở bên này được làm “evaluation”, nghĩa là đánh giá những người đã đứng lớp. Trợ giảng thì được xem những gì sinh viên ghi trong bản đánh giá, nhưng Giáo sư thì không. Đến ngày đánh giá, ông Giáo sư sẽ phát bản đánh giá cho sinh viên, và đề nghị một người trong lớp tình nguyện làm nhiệm vụ thu lại và nộp về cho trường. Kết quả đánh giá thì dĩ nhiên là người đứng lớp sẽ được biết sau khi có tổng kết, nhưng sinh viên cũng có quyền được biết, chỉ cầm làm đơn xin xem. Việc đánh giá như thế này trước đây có trường Bùi Thị Xuân đã thử nghiệm, nhưng bị phản ứng dữ quá nên thôi. Chính ra thì đây là một điều cũng nên làm, vì có như vậy mới thật sự đánh giá được khả năng của người đứng lớp. Dĩ nhiên là không thể nào tránh khỏi chuyện có một vài sinh viên không thích môn học hoặc không thích người đứng lớp vì nhiều nguyên nhân, nhưng nếu loại bỏ đi những thành phần cực đoan thì người ta cũng có thể có cái nhìn tương đối khách quan về người đứng lớp. Có điều văn hoá phương Đông dường như khó mà chấp nhận việc học trò được quyền đánh giá thầy cô như vậy.
Nhìn chung, việc dạy và học ở Mỹ khá thoáng và thoải mái, tuy vậy nhưng vẫn ở trong những khuôn khổ chặt chẽ. Chính vì thế, môi trường học tập ở Mỹ luôn cởi mở, tích cực, và đó chính là chiếc chìa khóa để phát huy năng lực sáng tạo của sinh viên.

(Bày này tôi viết lúc còn làm trợ giảng ở SUNY Buffalo, đọc lại thấy vẫn còn chưa cũ nên xin mạn phép đăng trên này 🙂 )