Thuyết trình toán. III / V

Hoàng Thạch Luân

III. Luyện tập trước bài nói.
Nhiều lần tôi không luyện tập đầy đủ, miệng lưỡi ngọng ngịu, nói năng rề rà, giờ giấc thiếu hụt, … bao công sức đổ sông đổ bể. Tôi nhớ là Paul Halmos luôn luôn luyện tập trước bài thuyết trình của mình, ngay cả những thời điểm cho những câu nói đùa đã chuẩn bị trước. Đối với ông đã đi thuyết trình rồi thì phải chuyên nghiệp. Cho nên PHẢI LUYỆN TẬP NHIỀU LẦN CHO THÀNH THỤC TRƯỚC KHI NÓI.
– Bài viết và bài nói liên quan chặt chẽ với nhau. Không phải có bài viết rồi thì nói lấy nói để cho đúng khuôn giờ đã định. Ngược lại, khi luyện tập mình sẽ thấy điểm hay điểm dở rồi sửa đổi, thêm bớt bài viết cho phù hợp.
– Phải canh giờ cho đúng. 25 phút là 25 phút. 50 phút là 50 phút. Tốt nhất là bấm đồng hồ thể thao (các điện thoại di động đều có). Thiếu hụt hay dư giờ thì mình chỉnh lại bài viết.
– Khi tập, nếu thấy bài viết có sai sót thì ghi chú nhanh, nhưng không làm ngắt quãng lần tập đó.
– Có điều cần nói nhưng hay quên thì tìm cách chèn vào bài viết. (hoặc dùng ghi chú trong lúc trình bày).
– Khi tập cũng đi đứng tự nhiên như thuyết trình thật, đừng ngồi một chỗ.
– Tập nói to rõ, có ý tứ mạch lạc, tránh nói quá nhanh mà thành tùa lua, không ai nghe được, hiểu được. Lên xuống giọng hợp lý, cho có “lửa”, tránh rề rề buồn ngủ.
– Tìm từ ngữ phong phú, diễn đạt một ý, một đối tượng bằng nhiều cách khác nhau. Nếu không chuẩn bị trước, câu chữ nghèo nàn, chỉ lặp lại vài cụm từ hay chỉ chỏ vào một công thức mà “this,that,this,that” là không hay.
– Nếu trình bày bằng tiếng nước ngoài thì càng phải luyện tập phát âm, ngữ điệu. Những câu, từ nào khó, mình càng tập kỹ hơn.
– …
– Đến gần giờ thuyết trình của mình, tôi còn lướt qua bài nói của mình lần nữa cho chắc ăn 🙂 .

(còn nữa)

I. Tại sao cần thuyết trình giỏi (hoặc chí ít chẳng tệ).
II. Bài thuyết trình.
III. Luyện tập trước bài nói.
IV. Trình diễn.
V. Phát triển kỹ năng.